HỖ TRỢ QUÝ KHÁCH

Tour Phổ Biến

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Đảo Phú Quý - Tiềm Năng Du Lịch của Miền Nam


Vị Trí: Đảo Phú Quý còn gọi là “Cù Lao Thu”, là một đảo nhỏ nằm giữa Nam biển Đông, cách Thành Phố Phan Thiết 56,7 hải lý (111 km) về phía Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 196 hải lý (385 km) về phía Tây. Nằm giữa trung tâm khai thác hải sản lớn nhất Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ.
Đặc điểm: Là một huyện đảo có khí hậu trong lành, biển ở xung quanh, nước trong xanh thấy rõ địa hình, địa vât dưới độ sâu  5 – 7m bằng mắt thường. Đặc biệt quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng phong phú, nhiều chủng lọai.
Phú Quý có nhiều bãi tắm, như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mộ Thầy, nhất là bãi Vịnh Triều Dương rộng và thoải mái, toàn là cát trắng mịn không có đá lộ đầu, trên bờ có rặng dừa và rừng dương rợp bóng, lại có nhiều nước ngọt. Trên đảo có nhiều danh lam thắng cảnh, các cơ sở tín ngưỡng như: “Chùa Linh Quang”, “Vạn Anh Thành” (được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) có mộ Thầy Nại, miếu Bà Chúa Chăm, núi Cao Cát với cảnh quan hùng vĩ được tạo hóa bởi các tầng núi đá dựng đứng. Xung quanh Phú Quý trong lòng đất có nhiều di tích đã được khảo cổ  và là những ngôi mộ cổ kỳ lạ.
Với đặc điểm nêu trên Phú Quý là điểm đến tham quan du lịch nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái biển, du lịch thể thao, câu cá trên biển và du lịch văn hóa lịch sử. Chương trình hoạt động du lịch Phú Quý gắn với chương trình du lịch biển Trường Sa. Đồng thời gắn liền với các tour du lịch của toàn tỉnh Bình Thuận và xem việc tham quan du lịch của các đoàn khách  trong và ngoài nước.

Đảo Phú Qúy rộng 16,4 km2, gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ, nằm cách TP Phan Thiết 56 hải lý về phía Đông. Nhìn từ phía Bắc, đảo có hình thù như một con cá thu nổi lên giữa biển nên từ xa xưa có tên là Cù Lao Thu.
Huyện đảo có ba xã Ngũ Phụng, Tam Thanh và Đông Hải bao quanh còn có nhiều hòn nổi lớn, nhiều bãi biển, gành đá, vịnh hoang sơ rất đẹp. Phú Quý  là đảo tiền tiêu trên biển Đông của Bình Thuận và là trạm trung gian cận Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc thân yêu.

Tương truyền ngày xưa có một chiếc ghe ngư dân từ đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đánh cá trên biển, không may gặp luồng cá chuồn bơi ngược. Thế là hàng vạn, hàng triệu con cá lao lên sàn làm chìm ghe. Những ngư dân trôi dạt vào bờ rồi từ đó định cư các vùng Đông Hải, Tam Thanh.

Riêng xã Ngũ Phụng có truyền thuyết liên quan đến công chúa Chế Bàn Tranh của Chiêm Thành bị đày ra đây, ngày nay còn nhiều di tích tại Ngũ Phụng
Thú vị tục nói ngược 
Những năm trước đây, khi ghe thuyền ra đảo mỗi tuần một chuyến, đảo gần như biệt lập với đất liền. Dân trong Phan Thiết, Phan Rí gọi người ngoài đảo là dân Hòn. Tiếng nói, âm điệu rất khó nghe. Chưa nói đến vốn từ vựng sử dụng rất nhiều phương ngữ và từ cổ.
Ví dụ như: ông Trời thì đọc là “ông Blời”, ông Trăng đọc là “ông Klăng”. Các âm “a” biến thành “e” như người dân miệt Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Nhiều từ địa phương nghe lần đầu không những không hiểu gì mà con giật thót người như: Mời thầy cô giáo đến nhà ăn giỗ. Học sinh trên đảo sẽ nói : Nhà em có kỵ, ba mẹ em mời cô (thầy) đến “ăn chực”. Hoặc như: cô giáo có khuôn mặt rất hiền lành, phúc hậu…Học sinh trên đảo sẽ mô tả như sau: “Em rất thương cô giáo vì cô có khuôn mặt rất…dữ” (dữ = hiền lành). 
Có thể do cuộc sống biệt lập, thường xuyên đối mặt với thiên tai, khắc nghiệt và cực khổ mưu sinh trên biển nên các tập tục truyền thống không được chú trọng và không lưu truyền. Các thế hệ cư dân từ thế kỷ 19 đến nay, đã làm đơn giản hóa các nghi lễ truyền thống và làm mai một dần một số tín ngưỡng, tập tục của người Việt. 
Đám cưới có cũng như không 
Tục cưới hỏi trên đảo Phú Quý rất đơn giản gần như không ai để ý đến. Trước đây trên đảo không có đường nhựa, không có xe ô tô, gắn máy nên khái niệm “lên xe hoa” càng không thể có. Ngư dân chỉ biết thuyền ghe, thúng và bạn ghe - những người làm thuê.

Buổi chiều, tất cả đàn ông, trẻ con trên 10 tuổi đều ra biển đánh bắt cá, câu mực. Trên bờ chỉ còn lại đàn bà, người già và trẻ nhỏ. Khái niệm về ngày tốt, ngày xấu cũng không có. Biển không bị động, đánh bắt nhiều cá mực, an toàn thì đó là ngày tốt.

              Những chàng trai ngư dân khỏe mạnh khi đến tuổi trưởng thành, sẽ được các cô gái quan tâm đến với những thành tích như: lặn sâu, lâu nhất, đánh cá giỏi, câu mực nhiều, hoặc giả bị bão tố vẫn sống trên biển nhiều ngày…thành tích nổi trội này là tâm điểm để các cô gái biển quan tâm hơn là con ông chủ ghe, hay một gia đình giàu có sẵn.
 Vì một lẽ, nghề biển là nghề bạc, của cải trời đất và biển cả hào phóng ban tặng rất nhiều, vô số kể. Nhưng chỉ một cơn thịnh nộ, giận dữ cuồng phong, biển sẽ lấy lại của con người tất cả, kể cả sinh mạng. Câu nói “ dân ba đời ghe” hàm ý về sự khắc nghiệt, luật nhân quả của biển khơi, của trời đất là vậy.
 Nếu để ý, nhớ nhung một cô gái, không cần mai mối dạm ngõ như các nơi, chàng trai trình bày với cha mẹ, người thân hoặc với chủ ghe nếu không còn người thân. Nhân dịp nhà bên cô gái có tiệc tùng, đám giỗ nhà trai sang “đánh tiếng” . Tục lệ ở trên đảo gọi là “nói chừng”.

Nghĩa là đề cập việc con cái muốn thành vợ chồng. Việc này không cần bất cứ lễ vật hay nghi lễ gì cả. Cộng đồng cư dân trên đảo không đông, không bị chi phối bởi tác động từ bên ngoài nên các gia đình đều rất biết nhau, quen nhau như trong đại gia đình. Con ai, nhà ai, ghe ai tất cả đều rành rẽ.
Nếu nhà cô gái đồng ý, thì chính thức ngay sau đó, chàng trai đã có thể đến nhà gái để ngủ. Không cần nghi lễ động phòng hay tuần trăng mật, những cặp uyên ương trên xây tổ rất tự nhiên, rất đơn giản như biển và thuyền ghe không thể thiếu nhau. Cô gái cũng chính thức trở thành vợ anh chàng kia mà không cần tốn kém, thách cưới gì cả. Rất ít có đám từ chối lời “nói chừng” của nhà trai. Vì các điều kiện cần và đủ đã hội tụ, nên việc “nói chừng” là cái cớ để xác lập hôn nhân.
Thông thường nhà có con gái bao giờ cũng dành buồng riêng. Nếu gia đình khá giả có thể cho luôn căn nhà riêng cho hai bạn trẻ xây tổ ấm. Chàng rể ban ngày làm việc bên gia đình mình, tối về ngủ với cô dâu. Nếu hai bên gia đình có công việc, hoặc giỗ kỵ, dựng nhà mới…thì sang “mượn” cô dâu, hoặc chú rễ về nhà giúp vài hôm tùy theo công việc.
Thời gian “ngủ bên nhà vợ” nếu xảy ra những mâu thuẫn, hay phát hiện sự rạn nứt, bất ổn nào đó trong hạnh phúc, tình yêu chàng trai có thể “chia tay” mà không cần phải hòa giải hoặc ly hôn. Cũng không hiếm những trường hợp sau thời gian chung sống rất ngắn ngủi, các cô vợ “sa thải” chồng vì những lý do không thể chung sống lâu dài. Bao giờ thì cô dâu về sống bên nhà chồng?
Câu trả lời: bao giờ cũng được nhưng có điều kiện. Nhà chồng cảm thấy cần có con dâu chung sống, phải được con dâu đồng thuận thì chọn dịp nhà bên gái có giỗ kỵ, tiệc vui sang trình bày và xin đưa con dâu về sống.

Bãi biển hoang sơ
Đa phần người dân trên đảo không chọn cách này vì sống bên chồng hay bên nhà gái thì vẫn “ngày việc ai người ấy làm” chỉ có tối về ngủ chung. Nếu ra riêng thì miễn bàn.
Ngày trước, chỉ khi nào cô dâu sinh ra con trai, gia đình bên chồng mới tổ chức bữa tiệc ăn mừng, sang nhà gái xin đón con dâu về sống bên nhà chồng. Nếu cô dâu chỉ sinh con gái thì bên nhà trai ít khi đón về. Quan niệm của dân biển: sinh càng nhiều con trai càng tốt. Con trai chính là lao động trên biển và cũng là người mang lại của cải, tài sản bảo đảm cuộc sống.
Ảnh hưởng của quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (nam trọng, nữ khinh) đã bám sâu gốc rễ vào các thế hệ tuy không bộc lộ rõ nét, nhưng ngấm ngầm tư tưởng phong kiến trong việc chọn dâu và cháu nội nối dõi tông đường. Chính sự hà khắc của quan niệm này mà nhiều lứa đôi dang dở, để lại cho hậu thế những ngùi ngẫm khôn cùng như chuyện tình yêu của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với sự ra đời bản Dạ cổ hoài lang.

Ông Dương Minh, 70 tuổi, ở xã Ngũ Phụng, có 10 người con (7 trai, 3 gái) tỏ ra lạ lẫm: “Dòng họ tôi ở đây mấy đời rồi, nhưng tôi chưa dự qua đám cưới nào cả. 10 đứa con có vợ, có chồng hết rồi, nhưng chẳng có đứa nào tổ chức đám cưới”. 
Người dân trên đảo lạ lẫm và không hiểu nổi: Đám tiệc cưới tại sao có khách dự. Họ quan niệm đó là chuyện của hai bên gia đình thôi. Vì vậy mà nhiều đời nay dân trên đảo không quan tâm đến hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn.
Anh Nguyễn Văn Nhị - Một anh bạn cán bộ Công an Bình Thuận cho biết: năm 2010, đơn vị anh tập trung nhiều tháng trời ở đảo Phú Qúy để làm giấy CMND, hộ khẩu cho dân, hướng dẫn pháp luật… nhiều câu chuyện cười ra nước mắt mà chúng tôi sẽ kể vào dịp khác. Lấy chồng sớm, đẻ nhiều, thất học mù chữ, ít hiểu biết pháp luật là vấn nạn ngày nay vẫn còn khá phổ biến trên đảo.

Từ năm 2000 trở lại đây, do việc tăng cường cán bộ, giáo viên từ đất liền ra đảo nên trên đảo xuất hiện vài tiệm thuê đồ cưới và chụp ảnh. Nhưng đám cưới của “công dân nhập cư” cũng chỉ là hình thức để chụp ảnh, quay phim…lưu niệm. Tiệc cưới cũng chỉ là bánh kẹo, nước trà, nước ngọt như thời bao cấp. Vì nếu tổ chức rình rang, có mời dân trên đảo cũng không ai dự vì xa lạ. Nhờ vậy mà phong trào “tiết kiệm” tiệc tùng cưới hỏi trên đảo Phú Qúy không cần phát động cũng trở thành điển hình, gương mẫu.
Trên đất Việt, vẫn còn hòn đảo ngọc Phú Quý là nơi không tổ chức đám cưới bao giờ, nhưng các cặp vợ chồng trẻ ở đây đều sống rất hạnh phúc, cho đến khi răng long, đầu bạc.

Kỳ thú đảo Phú Quý
Chỉ nghe tên đảo thôi đã thấy tò mò về địa danh đảo Phú Quý, cách thành phố Phan Thiết hơn 100 km về hướng đông nam. Là một hòn đảo giữa biển khơi đẹp thơ mộng, đậm nét hoang sơ , thậm chí nhiều nơi còn chưa từng vương dấu chân người…
Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn
Đảo Phú Quý rộng 32 km2, gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ. Nhìn từ phía Bắc, đảo có hình thù như một con cá thu nổi lên giữa biển. Nơi đây có khí hậu trong lành, có nhiều bãi tắm, như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang,... với những dải cát trắng mịn, nước trong màu ngọc bích.
Bao quanh đảo là 9 hòn đảo nhỏ như Hòn Tranh, Hòn Đen, Hòn Trứng... là những điểm du lịch sinh thái biển đầy hấp dẫn. Đặc biệt quanh đảo có một thảm thực vật rạn san hô rất đa dạng phong phú nhiều chủng loại, ấn tượng với Phú Quý là vẻ đẹp của những bãi biển, nước trong xanh vắng không bóng người.
Đến Phú Quý , lên đỉnh núi Cao Cát tận hưởng làn gió mát rượi từ biển, nhìn tứ phía chỉ có biển khơi, Ngày rằm, đứng trên đỉnh Cao Cát, hướng ra biển phía hòn Đen, bên tay trái núi Cấm sẽ thấy hoàng hôn đang xuống dần, bên tay phải phía lạch Dù sẽ thấy trăng tròn đang từ từ lên cao, cứ như được hòa mình với đất trời.. Xa xa là Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Trào, Hòn Đen… bao quanh đảo như một quần thể kiến trúc của thiên nhiên để đảm bảo cho Phú Quý ngăn được bão biển.

Thả sức thưởng thức hải sản tươi rói
Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên và con người, Phú Quý cũng nổi danh với những loại hải sản tươi rói từ biển. Một trong những đặc sản phổ biến là mực cơm, mực ống, mực thẻ, mực nang... đâu đâu cũng thấy trên đảo. Những hải sản khác từ tôm, cua, cá, hải sâm... đều phong phú.
Món ăn mà chỉ có ở đảo Phú Quý đó chính là cua huỳnh đế. Loại cua này có thịt rất chắc và độ đạm cực cao, có thể chế biến nhiều món ăn. Nhưng sản phẩm đặc biệt nhất của loại hải sản này là lấy thịt nấu cháo. Người ta gỡ cua ra lấy gạch ở mai và thịt bỏ vào nồi cháo khi đã nhuyễn. Nồi cháo cua huỳnh đế sẽ ngọt và thơm tuyệt. Tuy nhiên, với những ai mắc chứng bệnh “gút” thì lại không nên ăn vì nó có thể làm bệnh tái phát.
Cùng với đó, món cá Mú đỏ hấp hành gừng cũng hấp dẫn không kém với thịt cá thơm, đậm đà khó quên.
Tuy nhiên, đảo Phú Quý vẫn là một điểm du lịch còn ở dạng tiềm năng do chưa có sự đầu tư đúng mức. Với lợi thế hiện có, Phú Quý sẽ là điểm đến tham quan du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, du lịch thể thao, câu cá trên biển và du lịch văn hóa lịch sử... rất hấp dẫn cần được quan tâm hơn để khai thác và phát triển.

Hòn Tranh

Đảo Phú Quý được bao bọc xung quanh bởi những hòn đảo nhỏ, nhân dân địa phương gọi chung là những hòn lẻ. Trong đó hòn Tranh là đặc biệt hơn cả.
Cách đảo lớn Phú Quý khoảng 800m về phía đông nam với 15 phút đi xuồng máy, Hòn Tranh nổi bật như một niềm kiêu hãnh giữa đại dương bao la. Sau Phú Quý, Hòn Tranh là đảo có diện tích lớn thứ 2 trong hệ thống 10 hòn đảo của vùng biển có hệ sinh thái độc đáo này.

Hòn Tranh có dạng hình S như dạng của nước Việt Nam, nơi rộng nhất 400m và nơi dài nhất 1000m. Trước kia hòn này là một đảo hoang, không người ở, nhân dân địa phương thường đến đây để cắt cỏ tranh lộp nhà cửa. Hiện nay, hòn Tranh là một khu an ninh quốc phòng của Phú Quý.
Đảo Phú Quý được bao bọc xung quanh bởi những hòn đảo nhỏ, nhân dân địa phương gọi chung là những hòn lẻ. Trong đó hòn Tranh là đặc biệt hơn cả. Cách đảo lớn Phú Quý khoảng 800m về phía đông nam với 15 phút đi xuồng máy, Hòn Tranh nổi bật như một niềm kiêu hãnh giữa đại dương bao la. Sau Phú Quý, Hòn Tranh là đảo có diện tích lớn thứ 2 trong hệ thống 10 hòn đảo của vùng biển có hệ sinh thái độc đáo này.
Trên đỉnh cao nhất của đảo Hòn Tranh là trạm ra đa có tầm quan sát 500 hải lý đến tận Thái Bình Dương. Nằm giữa biển khơi, nhưng Hòn Tranh quanh năm có sóng yên biển lặng, do được núi bao bọc thành một thế chắn sóng vững chãi. Bởi vậy, bãi biển Hòn Tranh luôn trắng phau cát, nước trong vắt soi rõ từng rạn san hô và phản chiếu lấp lánh màu sắc của các loại tảo biển.

Hòn Tranh có một hệ thống hang động kỳ bí, với nhiều dáng đá lạ màu chàm, vết tích của núi lửa phun trào, gắn với nhiều huyền thoại và đức tin của ngư dân vùng biển.
Đi dọc theo mép biển phía nam hòn Tranh, ta sẽ đến vũng Gần, vũng Bàn, Mũi Xương Cá, vũng Phật… Nơi đây có đá bột, có thể dùng để khắc tượng rất tốt. Tượng Thích Ca Mâu Ni  Linh Sơn Trà Bang Thạch Tự (tức Linh Quang Tự) ở xã Tam Thanh được ông Huỳnh Khâm tạc bằng loại đá này. Ở hòn Tranh còn có hang Cò Nước và hang Cò Khô. Hang Cò Nước là nơi nghỉ đêm của họ nhà cò. Trong hang Cò Khô có một bãi đá trái, nơi đây năm 1945, dân ở đảo Phú Quý tập trung vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ở hang Cò Khô có nhiều hốc đá, vào mùa bấc, cò đẻ trứng. Về mùa nam, song lớn dội có khi đến miệng hang.
Phú Quý Vũng Phật, một vùng đá trũng màu nâu đỏ, mà người dân 
 cho rằng, khi chùa Linh Quang bị cháy, tượng phật bị thiêu rụi; vùng đá này có một hòn linh thạch dáng phật nổi lên. Ngư dân đã thỉnh đá về tạc tượng phật, đặt tại chùa Linh Quang. Vũng Phật đến giờ vẫn là chỗ dựa tinh thần của ngư dân khi ra khơi đánh bắt.
Tiếp tục đi dọc bờ cát, say sưa với những huyền thoại, du khách sẽ lạc chân đến miếu Trấn Bắc. Đó là miếu thờ quận công Bùi Huy Ích, một vị tướng tài của Nguyễn Ánh, đã chết khi bảo vệ nhà vua trốn sự truy sát của nghĩa quân Tây Sơn. Bên cạnh miếu Trấn Bắc là vạn thờ 77 thần Nam Hải, đã trôi dạt cùng ngày vào đảo, được ngư dân lập vạn thờ. Hàng năm, cứ vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch, dân đảo lớn Phú Quý lại đi xuồng máy qua Hòn Tranh để tổ chức giỗ quận công Bùi Huy Ích  và lễ cúng thần Nam Hải, cầu cho một mùa biển no ấm.
Hòn Tranh xinh đẹp bây giờ chính là nơi lánh nạn của vua Gia Long lúc xưa. Dấu vết còn lại, ngoài miếu Trấn Bắc còn có một giếng nước ngọt, dân đảo gọi là giếng Nguyễn Ánh. Điều đặc biệt của giếng nước này là mùa mưa hay mùa hạn, giếng vẫn đầy ắp nước cho bộ đội sử dụng quanh năm.
Du khách đến Phú Quý  có thể dùng thuyền ra Hòn Tranh để tham quan thắng cảnh, để cảm nhận và thấy được cảm giác đang giữa biển cả menh mông. Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi không chỉ về tài nguyên mà cả về thắng cảnh. Với những bãi biển thơ mộng, những dãy san hô, những cụm đá đen lộ đầu ngoạn mục giữa muôn ngàn cơn sóng, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm là những yếu tố rất hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước cũng như quốc tế. Nhiều nơi trên đảo, khách có thể dễ dàng thoả mãn thú tiêu khiển câu cá, tắm biển và tận hưởng những phút giây sảng khoái tinh thần trước bờ biển thuỷ tinh xanh.

Ngôi chùa cổ nhất giữa biển khơi
 Là một ngôi chùa lớn nhất trên đảo Phú Quý, Linh Quang tự không chỉ được công nhận là di tích văn hoá quốc gia, mà còn là nơi linh thiêng chứa nhiều câu chuyện huyền bí về tín ngưỡng nằm giữa biển khơi!
Sự tích khai lập chùa
Theo ông Đỗ Kim Long, 67 tuổi, trưởng ban Quản lí Khu di tích Quốc gia chùa Linh Quang, có nhiều giả thuyết cho rằng chùa Linh Quang được thành lập từ cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII do Thiền sư Nguyễn Văn Cánh khai sáng. Đây là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Bình Thuận và cũng là ngôi chùa cổ có tuổi cao trên tất cả các hòn đảo của Việt Nam.
Thuở sơ khai, chùa Linh Quang chỉ là một tiểu am nằm trầm mặc trên đồi hoang vắng. Chùa có 3 bộ kinh kệ với 13 tượng phật Quan âm bằng đồng; một tượng phật Thích Ca bằng gỗ; 10 cỗ bồng bằng sứ; 10 cỗ bồng bằng sành; 19 đĩa  sứ, 19 chén sứ.
Vào giữa thế kỉ XVIII, một trận hoả hoạn đã thiêu rụi chùa, làm cháy hết các tượng phật cổ bằng gỗ. Lần khuất theo năm tháng chiến tranh, nay chùa chỉ còn 7 tượng Quan âm bằng đồng. Dấu tích của những tượng phật bị cháy vẫn còn giữ nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Huyền thoại linh thiêng
Sau khi ngôi chùa bị cháy, nhân dân trên đảo Phú Quý tỏ lòng thành kính và đã bỏ công sức, của cải xây dựng lại chùa.
Đang trong quá trình xây dựng, bất ngờ tại hòn Tranh, một hòn đảo nhỏ cách đảo Phú Quý chừng 2 hải lí về phía đông nam, bỗng xuất hiện một Linh thạch (tảng đá thần) cứ vào ngày lành tháng tốt lại nổi lên, sau đó lại biến mất. Ngư dân trên đảo phát hiện và cho rằng đó là "tảng đá thần".
Các ngư dân đã bơi thuyền sang hòn Tranh lấy đá thần về xây chùa, tạc tượng để tôn thờ. Từ đó sự tích phật "Thiên Sanh" hình thành tại chùa, được tồn tại và lưu truyền trên đảo cho đến hôm nay.
Sau khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ truy đuổi và thất trận đã bôn ba đến đảo Phú Quý và chọn ngôi chùa Linh Quang làm nơi thiền ngụ. Tại đây, Nguyễn Ánh (xưng Vương là Gia Long) đã xây dựng lại chùa khang trang và xoay hướng ngôi chùa này theo hướng "tọa chấn hướng đoài" như trong bát quái.

Những báu vật còn lưu giữ
Trong chùa Linh Quang hiện còn lưu giữ một chiếc "đại đồng chung" (chuông). Chuông quý này được hoà thượng Huệ Đạo đúc tại chùa Trà Cang (Ninh Thuận) vào năm 1795. Các họa tiết hoa văn và những dòng chữ ghi lại ấn tích trên quả chuông cho thấy nó được đúc rất công phu.
Trong khi lúc đó công nghệ đúc đồng chưa hề phổ biến ở miền Trung thì việc hoà thượng Huệ Đạo đem ra đảo tặng quả chuông này cho chùa Linh Quang là một sự ngưỡng mộ rất lớn đối với ngôi chùa này. Dù nhỏ nhưng theo vị trụ trì, nó có tiếng kêu vang đến mức cả làng ven biển đều nghe rõ khi đêm tĩnh lặng.
Trong chùa còn có một chiếc trống da, có tên là trống Bát Nhã. Thân trống là một khúc gỗ sao tròn liền thân, đường kính rộng gần 1m mà không ghép.
Điều đó cho thấy sự kì công của hoà thượng Quảng Thành, người làm ra nó từ đầu thế kỉ XVIII, công phu để lại một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cho Linh Quang tự, sau đó ông vào trụ trì ngôi chùa ở núi Tà Cú trong đất liền.

VẠN AN THẠNH - Đảo Phú Quý – Bình Thuận

Từ thế kỷ XVI-XVII người Việt đã di cư đến đảo 
ngày càng đông, cộng với một số ngư dân đi biển bị bão tố trôi dạt vào và ở lại định cư làm ăn. Khi cuộc sống ổn định ngư dân các làng trên Đảo bắt đầu xây dựng dinh, vạn để thờ Thần Nam Hải ( cá voi) vị thần phù hộ về mặt tinh thần cho những người đi biển. Đó cũng là phong tục truyền thống tín ngưỡng của người Việt đối xử với cá voi vị thần biển cả, ân nhân cứu mạng che chở cho họ khi đi biển và làm ăn trên biển.

Vạn An Thạnh được kiến tạo hoàn chỉnh năm Tân Sửu 1781 tại bờ biển làng Triều Dương, xã Tam Thanh huyện đảo Phú Quý, cách thành phố Phan Thiết 120 hải lý về hướng Đông.

Vạn An Thạnh xây dựng theo lối kiến trúc dân gian của người Việt như dạng đình làng trong đất liền các kiến trúc chính gồm chính điện, nhà Tiền hiền, Võ ca. Bên trong vạn còn có chỗ chứa xương cốt cá voi gọi là Tẩm.

Theo tài liệu lưu trữ tại vạn năm Tân Sửu 1841 một con cá voi khổng lồ dạt vào biển trước vạn An Thạnh. Ngư dân trên Đảo đã tổ chức mai táng “ông” với nghi thức long trọng và tôn nghiêm. Đây là “ông” lớn nhất và cũng là vị đầu tiên được mai táng ở vạn nên được ngư dân gọi là “vị cố” và lấy ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm (ngày ông lụy) làm ngày giỗ chính thức của vạn An thạnh và cũng là ngày Tế Thu. Năm 1960 có một “cá ông” lớn trôi vào, chiều dài trên 25m, mai táng xong 3 năm sau đó ngư dân được mùa liên tiếp.

Gắn với việc mai táng thờ cúng cá Voi là một lễ hội của ngư dân. Trong nếp sống, phong tục và sinh hoạt của ngư dân ở đây, lễ cúng cá voi rất được chú trọng và là lễ to nhất so với các lễ khác như ngày hội làng thời trước. Mở đầu lễ hội, nhân dân chuẩn bị ghe thuyền, cờ, quạt, trống chiêng ra khơi nghinh đón cá ông. Đội chèo Bả Trạo trong trang phục chỉnh tề biểu diễn những tiết mục dân gian chào mừng.

Vạn An Thạnh đến nay còn lưu giữ gần 70 bộ xương cốt các loài cá voi. Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá Voi. Nhờ có vạn An Thạnh, nơi thờ cúng thần Nam Hải nên ngư dân rất an tâm khi ra khơi đánh bắt hải sản vì đã có “Ông Nam Hải” phù trợ tránh mọi nguy hiểm trên biển.

Đối với triều Nguyễn tất cả những lăng vạn thờ cá ông đều được tôn trọng, vì theo sự tin sùng của nhân dân, cá ông đã nhiều lần giúp Nguyễn Ánh thoát nạn trên biển. Vạn An Thạnh được các vua Triều Nguyễn ban tặng 10 sắc phong. Nội dung các sắc thần chủ yếu ban tặng “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân” và những “tướng lĩnh” giúp Nguyễn Ánh thoát nạn trên đảo khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi. Vạn An Thạnh tồn tại trên 200 năm từ ngày thành lập, gắn liền với lịch sử hình thành Đảo Phú Quý
như một chứng nhân bao đời của lịch sử vùng đảo, ở đó chứa đựng nhiều giá trị vật chất, tinh thần và cả về tín ngưỡng nghề nghiệp của ngư dân đảo Phú Quý.

Vạn An Thạnh đã được Bộ Van Hoá Thông tin công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá tại quyết định số 51-QĐ/BT ngày 12 tháng 1 nắm 1996.

Vịnh Triều Dương thuộc thôn Triều Dương (hay còn gọi là làng Triều), xã Tam Thanh. Cách Cảng Phú Quý khoảng 300m về phía Tây, cùng tuyến liên thông qua Bãi Nhỏ - Gành Hang, là nơi có khoảng cách gần nhất với Hòn Tranh.

Với bãi cát rộng và trải dài nhất so với các bãi tắm khác trên Đảo, những dải cát trắng mịn và là một bờ Vịnh theo đúng nghĩa, lại có hướng nhìn đẹp ra Hòn Tranh, nên nơi đây luôn là sự lựa chọn cho những dịp tụ tập vui chơi, không hẳn là đi tắm. Nhất là khi chiều về, vào những dịp lễ tết hay những ngày rằm trăng sáng luôn thu hút đông mọi người..., không chỉ có thế mà nơi đây trở bãi tắm lý tưởng của Phú Quý.

Em đến thăm anh nơi Hải Đảo xa xôi
Em đến anh nơi biển trời mênh mông
Nghe sóng hát , biển xanh thôi thét gào
Nghe sóng hát bãi san hô rì rào
Nghe sóng hát lòng anh vơi đi nỗi nhớ,

Nỗi nhớ người lính Đảo xa nhà
Lời em hát mang tình yêu thiết tha
Anh tặng em hoa Muốn Biển giữa trùng khơi
Màu hoa tím thay lời anh muốn nói..."

Đền thờ thầy Nại
Có hai truyền thuyết về thầy Nại được người dân Phú Quý lưu truyền. Truyền thuyết thứ nhất kể lại rằng: Thầy Nại vốn là nhà địa lý thiên văn tài ba người Hoa, thầy thường theo các thuyền buôn của người Tàu vượt đại dương đến nhiều nước trên thế giới để hành nghề. Qua nhiều chuyến hải trình, có lần thầy và các thủy thủ ghé vào đảo Phú Quý để nghỉ ngơi, từ đó ông mới phát hiện địa hình, địa thế đảo Phú Quý là một vùng địa linh so với các hòn đảo khác. Sau khi rời đảo, ông đã thổ lộ với các thủy thủ đoàn và gia đình ước nguyện của mình là sau khi qua đời hãy đưa tro cốt của ông đến đảo Phú Quý an táng.

Ngày mùng 4 tháng Tư năm Nhâm Thìn (?) ông qua đời, theo ý nguyện của thầy một đoàn thuyền buồm của người Hoa đã xuất phát từ biển Bắc, mất 6 ngày 6 đêm để mang tro cốt ông đến đảo Phú Quý an táng. Đoàn thuyền mang tro cốt thầy ghé vào đảo đúng vào thời điểm ban đêm nên dân chúng trên đảo không ai hay biết. Việc cúng tế và an táng thầy diễn ra trong đêm hôm đó. Sáng hôm sau, người dân trên đảo đi làm mới ngạc nhiên khi phát hiện có rất nhiều hương đèn, hoa quả và các loại lễ vật như: gà, heo, trà rượu…tại khu vực mộ thầy hiện nay mà không hề thấy bóng dáng người. Tin đồn lan nhanh khiến người dân trên đảo tò mò kéo nhau đến xem rất đông và người ta phát hiện có một chiếc thạp sành đựng tro cốt được chôn tại đây.

Truyền thuyết thứ hai: Thầy Nại là một thương gia người Hoa ở thế kỷ XVI, ông thường theo các thương thuyền vượt đại dương đến nhiều nước để buôn bán, ngoài buôn bán ông còn là một thầy thuốc giỏi. Trong một chuyến buôn bán, thuyền của ông bị bão tố đẩy dạt vào đảo Phú Quý. Lúc này trên đảo đã có vị công chúa Bàn Tranh con của vua Chăm sinh sống. Thầy đã kết nghĩa chị em với công chúa và ở lại sinh sống và bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp dân đảo. Sau khi qua đời, xác ông đã được an táng lại trên đảo. Mộ thầy được an táng lại làng Thoại Hải (xã Long Hải) xây bằng đá gành theo kiểu dáng hình tròn có đường kính 3,2m, thành mộ dày 60cm – cao 1m.

Sau khi thầy qua đời, hàng năm cứ đến ngày mùng 4 tháng tư âm lịch, dân chúng khắp các làng trên đảo tề tựu về mộ cúng tế và cầu nguyện thầy phù hộ, độ trì. Cũng theo người dân trên đảo, sau khi quy thiên, thầy hóa thành một vị thần rất hiển linh và thường xuyên phù hộ, cứu giúp dân lành. Hiện thân của thầy là 3 tiếng sấm nổ vang và một ánh hào quang hình tròn sáng rực như mặt trời. Từ trước đến nay, các thế hệ người dân trên đảo luôn tin tưởng vào sự linh ứng, trợ giúp của thầy. Rất nhiều người đã được thầy cứu giúp để vượt qua những cơn nguy biến, nhất là các ghe thuyền gặp nạn ngoài khơi hay trong lúc chiến tranh hoạn lạc… mỗi khi gặp nạn, người ta cầu khấn nhờ thầy cứu giúp là tức khắc ngay sau đó thầy xuất hiện với 3 tiếng sấm nổ vang và một quầng hào quang sáng rực để giải thoát cho người bị nạn.

Một thời gian sau khi thầy quy thiên, người dân trên đảo đã đồng tâm góp công sức, tiền của để xây đền thờ thầy trên một khu đồi cao ở làng Phú An, xã Ngũ Phụng. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, đền thờ thầy Nại được các thế hệ người dân trên đảo bảo quản, tôn tạo ngày càng tôn nghiêm và bề thế. Lần trùng tu gần đây vào năm 2002 đã mở rộng và nâng thêm vẻ trang trọng và tôn nghiêm của đền. Quần thể kiến trúc đền thầy Nại hiện nay khá quy mô, bao gồm nhiều hạng mục chính như: cổng Tam quan, cột cờ, bình phong, võ ca và điện thờ chính. Tất cả được bố trí, lắp ghép một cách hài hòa và uyển chuyển phù hợp với kiến trúc tôn giáo và chức năng của đền.

Sự linh ứng trong việc trợ giúp dân làng của thầy đã được các vua triều Nguyễn công nhận, vì thế các vua Minh Mạng, Đồng Khánh, Duy Tân, và Khải Định đã ban tặng cho thầy 8 sắc phong và truyền chỉ cho dân chúng các làng trên đảo phải phụng thờ thầy.

Cũng như đền thờ công chúa Bàn Tranh, việc phụng thờ, cúng tế thầy Nại do bổn điền 9 làng của 3 xã trên đảo luân phiên nhau thực hiện. Mỗi làng được giữ sắc phong và thờ phụng, cúng tế thầy trong một năm, qua năm sau luân chuyển qua làng khác.

Lễ hội tại Đền Thờ Thầy Nại mỗi năm diễn ra 2 đợt: lễ rước sắc thầy vào mùng 3 tháng Giêng âm lịch và kỵ thầy giao phiên vào mùng 4 tháng tư âm lịch. Trong lễ rước sắc thầy mùng 3 tháng Giêng âm lịch, làng đang phụng thờ thầy chuẩn bị đoàn lễ (kiệu, cờ đại, cờ trung, cờ tiểu, tàng, lọng, chiêng, trống, bát bửu…) rước sắc phong của thầy từ làng đến đền thơ thầy Nại, các lễ vật dâng lễ thầy trong nghi lễ này gồm có bò, heo, gà, hoa quả, trầu cau, trà rượu…

Lễ hội tại đền thờ thầy Nại là ngày hội văn hóa dân gian độc đáo của người dân trên đảo. Đó cũng là một nét đẹp riêng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân Phú Quý.
Có thể nói  Phú Quý là điểm du lịch lý tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm thiên nhiên, sống trên một hoang đảo luôn có cảm giác thú vị  và thích thú vì được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét